Cuộc Hội ngộ đầy ý nghĩa để viết nên một “dòng sông mang lửa”

Một thời để nhớ

          Bằng sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội và nguyện vọng của đông đảo các đồng đội cũ, lần đầu tiên một cuộc gặp mặt quy mô lớn như vậy được tổ chức tại thành phố biển Phan Thiết. Có mặt trong ngày vui hôm nay từ những người thi công tuyến ống đầu tiên, Tuyến X42 vượt “tam giác lửa” Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, đến các đơn vị thi công tuyến ống và vận hành trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt trên Trường Sơn: Công trường 18B, Binh trạm 169, các trung đoàn đường ống 592, 532, 537, 671, các đơn vị vận tải chở ống, chở xăng, các cán bộ Cục Xăng dầu 559 và xăng dầu các binh trạm.

          Đến dự buổi gặp mặt còn có đoàn đại biểu: Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Thuận, Hoàng Xuân Trúc, cùng nhiều đại biểu các cơ quan, ban ngành thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận.

          Đến nay, sau 56 năm (1968-2024), con “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” ấy, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, vẫn mãi là những con đường huyền thoại, thể hiện ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam.

Đối với họ, những ngày này của 56 năm về trước thực sự là một ngày đáng nhớ trong lịch sử bộ đội đường ống, cũng là một ngày đáng nhớ của một thời trẻ tuổi khi Bù Gia Mập là địa danh cuối cùng trên đường dài thiên lý vượt Trường Sơn đầy hy sinh gian khổ và xương máu của bộ đội đường ống hoàn thành. Những người lính tuyến ống đầy tự hào và họ có quyền tự hào về sự đóng góp của mình cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói với một nhà báo nước ngoài rằng: “Khi xăng đường ống đến Bù Gia Mập là chúng tôi đã nắm chắc phần thắng”; hay Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đánh giá: “Nếu Đường Hồ Chí Minh là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”

 Thiếu tá Bùi Đức Long (90 tuổi) Trưởng ban liên lạc ôn lại truyền thống bộ đội Xăng dầu Trường Sơn

Xúc động trong buổi gặp mặt, Thiếu tá Bùi Đức Long ( 90 tuổi tròn), nguyên phụ trách đường ống Xăng dầu Tiểu đoàn 868, 668 (9.1968); nguyên phụ trách Tổng kho Xăng dầu của Tổng Cục Hậu cần Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban liên lạc bộ đội đường ống Xăng dầu Trường Sơn Trung đoàn 671 gồm 6 tỉnh Lâm Đồng; Bình Dương; Bình phước ; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, ông nói: “Đường ống của chúng ta là một dòng sông mang lửa, vì nó sẽ bùng cháy dữ dội khi gặp một tia lửa nhỏ. Vậy mà nó đã vượt qua đỉnh Trường Sơn, qua núi cao, sông sâu, vượt qua mưa bom bão đạn đánh phá hủy diệt của Không lực Hoa Kỳ, kiên cường đứng vững, đảm bảo xăng cho các hoạt động chiến đấu trên Đường Hồ Chí Minh; không ngừng vươn sâu vào các chiến trường, đến tận Nam bộ”.

          Nhớ lại quãng thời gian ác liệt mà hào hùng ấy, Đại uý Đặng Viết Thắng, quê thành phố Hà Tĩnh, nguyên đại đội trưởng thuộc Trung đoàn 671 khẳng định, bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn đã dũng cảm, sáng tạo, làm thất bại mọi âm mưu ngăn chặn của quân thù.

          56 năm, sau hơn nữa đời người, gặp lại nhau hôm nay, các chiến sĩ tuyến đường ống Trường Sơn năm xưa nay tóc đã bạc phơ nhưng những tình cảm, những cái ôm và lời nói họ dành cho nhau vẫn như thủa đôi mươi năm nào. Khi địch đánh cháy trạm bơm ở bản Cọ, những con người mưu trí, quả cảm ấy đã tính toán khôn ngoan vượt trạm trên cung đường dài 70 km, kịp đưa xăng vào Đường 9, kịp phục vụ chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Hay trong những ngày cuối chiến tranh, những trận lũ cuối mùa hung dữ ngăn chặn bước tiến thần tốc, bộ đội đường ống Trung đoàn 537 và 671 đã dùng vật liệu tại chỗ treo ống vượt sông, kịp đưa xăng vào Bù Gia Mập, phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

          Trong niềm vui vô tận, gặp lại nhau lần này, những chiến sĩ xăng dầu đường ống Trường Sơn năm xưa họ cũng không quên những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 671 ngã xuống trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai cực kỳ ác liệt của Mỹ năm 1972 trên tuyến Đông Trường Sơn. Họ hy sinh trong những trận bom tọa độ hoặc những trận oanh tạc bất chợt của máy bay địch. Họ hy sinh vì bệnh tật, vì lũ cuốn và vì nhiều nguyên nhân, hiểm nguy không thể gọi tên hết trên núi rừng Trường Sơn.

Cùng chung dòng hồi tưởng đó, Thiếu uý Trần Ngọc Minh , quê huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình kể lại sự hy sinh của đồng đội trước khi chết đã đề nghị bỏ chiếc khăn che mắt: Xin để chúng tôi được nhìn bầu trời đất nước lần cuối.

          Nặng nghĩa tình đồng đội

          Buổi gặp mặt không chỉ ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ về người đã khuất mà còn chia sẻ, truyền cho nhau nghị lực để vượt qua những gian khổ trong cuộc sống thường nhật. Mang trong mình vết thương chiến tranh, cựu CCB Lại Thị Hiệp quê Thanh Hoá, lính thông tin tuyến ống ở Đại đội 3, Trung đoàn 671, cô đã may mắn hơn nhiều đồng đội khi được nhìn thấy đất nước hòa bình. Cô muốn dành khoảng thời gian quý báu này bên đồng đội để chia sẻ, nhớ về một thời tuổi trẻ gian khổ nhưng đầy tự hào. Có người từ khi biết có cuộc gặp mặt này, họ mong mõi từng ngày để anh em một thời sống chết bên nhau được hội tụ sau 56 năm xa cách, nhưng không toại nguyện.

          Nhìn về quá khứ, nhớ lại một thời không thể quên xẻ dọc Trường Sơn của những người lính bộ đội Trường Sơn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao cứu nước. Tất cả như một động lực khiến những người lính năm xưa quên đi nỗi đau thể chất sau chiến tranh mà họ đang hằng ngày gánh chịu.

          Từ năm 2012 tới nay, Hội đã vận động các doanh nghiệp được hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các đồng đội làm nhà; ủng hộ quà và tiền hỗ trợ một số cựu chiến binh chữa bệnh...           Nhân buổi gặp mặt lần này (sau 56 năm) cũng là ngày sinh nhật Thiếu tá Bùi Đức Long, trưởng ban liên lạc Trung đoàn 671 tròn 90 tuổi ông chia sẽ:  “Vẫn biết thời gian qua đi, đồng đội sẽ có người còn, người mất nhưng tôi vẫn luôn ngóng thông tin trên bảng tìm đồng đội. Mong cho những dòng thông tin ấy sẽ luôn dài như bây giờ để biết đồng đội mình vẫn khỏe mạnh”

          Cuộc gặp của những người viết nên huyền thoại đã diễn ra trong không khí hân hoan, đầy tự hào, để rồi năm tháng có trôi qua nhưng trái tim những thế hệ bộ đội đường ống xăng dầu “chân trần, chí thép” vẫn mãi được lịch sử khắc ghi như những anh hùng làm nên một dòng sông mang lửa.

                                                         Danh Lư – Hội nạn nhân Chất độc da cam tp Phan Thiết